Khi đã độc lập về tài chính, nhiều người trẻ thường sa vào nhu cầu vật chất không cần thiết, lạm dụng thẻ tín dụng, không lập ngân sách hàng tháng, không đầu tư vào bản thân và cũng chẳng có kế hoạch tiết kiệm cho về hưu.

Trên 20 là độ tuổi bạn có thể hình thành, hoặc phá vỡ sự ổn định tài chính. Thời kỳ này tương đối khó khăn, do bạn phải tìm việc, tiết kiệm tiền mua nhà và cố gắng làm vui lòng cha mẹ. Chưa sẵn sàng để tự chủ về tài chính sẽ khiến bạn rất dễ phạm sai lầm về tiền bạc, có thể phải đánh đổi cả giấc mơ, tài sản và mối quan hệ với những người thân thiết.


1. Rơi vào bẫy lối sống xa hoa
cheap-car-insurance-5299-1393402565.jpg
Ở độ tuổi này, bạn có thể mới tốt nghiệp hoặc đã có một công việc ổn định. Nhưng điều quan trọng không phải bạn kiếm được bao nhiêu, mà là tiền tiêu vào đâu? Bạn có đem tiền đi đầu tư không? Tài khoản ngân hàng của bạn có ổn không? Hay bạn thích tiêu tiền vào các món đồ xa xỉ?

Tự kiếm ra tiền sẽ khiến bạn có cảm giác thích tiêu vào đâu thì tiêu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tìm được việc rồi, là bạn ngay lập tức cần mua căn hộ mới, xe mới, quần áo và đồ dùng mới.

Đừng nhầm lẫn giữa sự thỏa mãn vật chất với hạnh phúc. Nếu không, bạn sẽ sớm mắc kẹt trong vòng quay xa hoa ảo này. Nó rất đắt đỏ đấy!

Lời khuyên ở đây là: Đừng dựa vào tài sản để tìm niềm vui. Tất cả những đồ mới mua đều sẽ cũ đi theo thời gian. Còn bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn.

2. Lạm dụng thẻ tín dụng
credit-card-5574-1393402565.jpg
Bạn có biết rằng các hãng thẻ tín dụng lớn có cả danh sách những người trẻ mà họ có thể liên lạc ngay khi biết bạn có việc làm đầu tiên? Họ sẽ gọi cho bạn và nói rằng bạn đáp ứng các tiêu chuẩn mở thẻ. Và thế là bạn đã có thẻ tín dụng.

Nhưng hãy nhớ, thẻ tín dụng không phải tiền cho không. Nó chỉ giúp bạn mua những thứ mà bạn chưa trả được ngay bây giờ. Nó kích thích bạn mua đồ chỉ bởi vì bạn có thể. Thêm vào đó, nếu mua một món hàng giá trị nhỏ, bạn thường chủ quan về tiền lãi và quên bẵng đi. Đến khi nhớ ra, bạn có thể sẽ phải trả một số tiền khổng lồ.

Lời khuyên là: Nếu bạn không tự ép bản thân phải trả tiền đúng hạn, đầy đủ, đừng bao giờ mở thẻ tín dụng.

3. Không bao giờ lập ngân sách

Ý tưởng này thường bị mọi người cho là quá to tát. Thậm chí một số người còn chẳng biết tháng này mình đã tiêu những gì. Nhưng việc lên kế hoạch và theo dõi thu chi hàng tháng là rất cần thiết. Bạn sẽ không thể chữa được bệnh nếu không chẩn đoán đúng. Tương tự, bạn cũng khó giải quyết được vấn đề nếu thậm chí còn chẳng biết nó tồn tại.

Lời khuyên ở đây là: Sao bạn không thử quy tắc 60-20-10-10 nhỉ? 60% thu nhập cho cuộc sống hàng ngày, 20% tiết kiệm cho mục tiêu cá nhân, 10% để dành về hưu, còn 10% làm công tác xã hội.

4. Không đầu tư vào bản thân
lifelong-learning-8188-1393402565.jpg
Đã tốt nghiệp đại học không có nghĩa từ nay bạn chẳng phải học gì nữa. Trên thực tế, cuộc sống đi làm sau đó chính là khoảng thời gian tốt nhất để tiếp tục bổ sung kiến thức. Chẳng ai ở bên để thúc giục bạn hoàn thiện bản thân đâu. Vì vậy, hãy cố gắng tự làm một mình.

Bên cạnh đó, đừng lấy cớ là mình không đủ tiền để đi học. Vì thực ra, đây không phải chi tiêu, mà là đầu tư. Sau này, bạn sẽ gặt hái được thành quả, thế nên hãy kiên nhẫn.

Lời khuyên ở đây là: Tham dự các buổi hội thảo để nâng cao kiến thức. Mở rộng mối quan hệ với những người làm việc trong ngành nghề yêu thích của bạn và học hỏi từ họ. Học thêm một ngôn ngữ mới, nộp đơn xin học bổng du học, đăng ký các khóa nghiệp vụ hay đọc sách cũng là những cách rất hay.

5. Không tiết kiệm cho tuổi về hưu
Retirement-5654-1393402565.jpg
Những người trong độ tuổi này thường không nghĩ đến việc tiết kiệm. Tuy nhiên, chúng ta nên để dành từ khi còn trẻ để có thể sống thoải mái khi về hưu. Nếu bắt đầu sớm, bạn sẽ còn dôi ra một khoản để đầu tư nữa. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: “Người giàu đầu tư vào thời gian, người nghèo đầu tư vào tiền bạc”.

Nếu chờ đến lúc già, bạn sẽ cảm thấy áp lực hơn nhiều. Bên cạnh đó, nếu muốn sống thoải mái, bạn cũng sẽ phải đổ vào số tiền lớn hơn, do còn ít thời gian hơn.

Lời khuyên ở đây là: Hãy tiết kiệm sớm. Nếu bạn còn 10-20 năm nữa mới nghỉ hưu, trích ra một khoản để mua cổ phiếu, mua đầu tư thôi, đừng lướt sóng. Cuộc sống của bạn vì thế sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo Vnexpress/ Rappler
 
Top