Trước các thách thức mới, họ luôn phải tìm cách đối phó với nỗi sợ, rèn luyện tính kiên nhẫn, nghỉ ngơi điều độ và tích cực giúp đỡ người khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng trong xã hội có ba loại người: Những người đứng nhìn sự việc diễn ra, người tự hỏi vì sao lại xảy ra như vậy, và những người làm ra những việc đó.

Dĩ nhiên doanh nhân nằm trong nhóm cuối cùng. Họ là tác nhân tạo nên sự thay đổi. Họ không nhìn thế giới theo hoàn cảnh hiện tại mà là theo cách mà nó có thể biến thành. Doanh nhân không bao giờ ngồi ngoài cuộc và mơ tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn. Thay vào đó, họ bước ra ngoài và tạo nên thế giới. Họ không chờ đợi mọi thứ trở nên khác biệt. Họ chính là sự khác biệt.

Là những người có suy nghĩ đi trước thời đại, doanh nhân luôn thúc đẩy bản thân phải trở nên tốt hơn và làm tốt hơn. Họ là những người thay đổi cuộc chơi và khơi nguồn cảm hứng.

Bạn có muốn thành công như một doanh nhân? Theo Entrepreneur, hãy làm theo 5 bước sau đây và bạn sẽ phát triển được các phẩm chất lãnh đạo cần có để trở thành một doanh nhân xuất chúng.

1. Dám thất bại và nhận lấy bài học

Bill Gates (trái) và Warren Buffett (phải) là những doanh nhân xuất sắc của thế giới.  Ảnh: Luxury Topics 

"Làm thử. Thất bại. Không sao cả. Hãy thử lại. Thất bại tiếp. Nhưng hãy thất bại khôn ngoan hơn" là câu nói nổi tiếng của Samuel Beckett. Điều này chưa bao giờ dễ dàng, nhất là ở giai đoạn "Thử lại".

Và quan trọng không kém là dành thời gian suy nghĩ về những sai lầm. Trong cuốn "The Call of Solitude" (Tiếng gọi của sự cô độc), Ester Schaler Buchloz viết: "Người khác truyền cảm hứng cho ta, thông tin nuôi sống chúng ta, và việc luyện tập sẽ giúp nâng cao trình độ của ta. Nhưng ta cần khoảng thời gian yên tĩnh để thấm nhuần những điều trên".

Trong cuốn "Fail Up" (Gục ngã và đứng dậy), phát thanh viên Tavis Smiley đã kể lại những bài học ông tích lũy từ những thất bại của mình, mà sau này khi ngẫm lại, chúng lại chính là những người thầy vĩ đại nhất.

Bạn sẽ học thêm được nhiều thứ sau những thất bại liên tiếp. Chỉ khi ấy, bạn mới có thể phát triển và lớn mạnh. Và sau những thất bại không thể tránh khỏi trong đời, bạn sẽ là người chiến thắng.

2. Sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ

Theo tác giả Brendon Burchard, sợ hãi có thể chia làm 3 loại, dựa trên sự đau khổ bạn sẽ phải chịu. Loại thứ nhất là sự đau khổ mất mát, xảy ra khi bạn không dám bắt đầu vì lo sợ sẽ đánh mất thứ gì đó giá trị.

Loại thứ hai là sự đau khổ quá trình, không thể tránh khỏi khi bạn cố gắng thử một cái mới. Bạn sẽ phải trải qua một quá trình để học cách chế ngự nó.

Loại cuối cùng là sự khổ sở kết quả, khi điều bạn nhận được không như mong đợi.

Burnard khẳng định rằng con người cần phải trấn áp nỗi sợ của chính mình. Cũng giống như quân đội tấn công kẻ địch từ mọi phía, con người cũng nên làm như thế với nỗi sợ.

Với Barbara Corcoran - nhà đầu tư trong show truyền hình cho các nhà khởi nghiệp Shark Tank, nói trước đám đông chính là điểm yếu của bà. Nhưng bà đã dũng cảm chiến đấu với nó bằng cách tình nguyện dạy một khóa bất động sản vào buổi tối.

3. Rèn tính tự giác và kỷ luật

Đây là khả năng trì hoãn những cuộc vui tức thời và siêng năng làm việc để gặt hái thành công về sau. Khi nam diễn viên Jamie Foxx còn nhỏ, bà của ông yêu cầu phải luyện piano mỗi ngày, dù ông chỉ muốn ra ngoài chơi. Khi ấy, ông không hề biết rằng chính những bài học như thế đã đưa ông tới thành công trong sự nghiệp sau này. Đến nay, ông vẫn giữ thói quen này và tự đặt cho mình quy định chơi piano 2 tiếng mỗi ngày.

Sẽ chẳng ai bận tâm tới những năm tháng nỗ lực cố gắng của bạn đâu. Họ chỉ nhìn vào kết quả mà thôi. Nếu bạn muốn gặt hái những phần thưởng của ngày mai, hãy chăm chỉ làm việc từ hôm nay.

4. Nghỉ ngơi và ngủ đủ

Không lâu sau khi ra mắt tờ Huffington Post, Arianna Huffington suy sụp vì kiệt sức và thiếu ngủ. Bà làm việc 18 tiếng một ngày với mong muốn phát triển công ty nhanh chóng. Hậu quả là cơ thể bị suy nhược, bà ngã đập đầu vào cạnh bàn và ngất xỉu.

Trong cuốn Thrive (Sự thịnh vượng), bà đã thuật lại tường tận tai nạn này và cho rằng đó là một hồi chuông cảnh tỉnh đau đớn. Bà biết rằng mình đã quá coi thường việc ngủ và sẽ phải điều chỉnh lại lối sống.

Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và sẵn sàng dẹp bỏ bất cứ khó khăn nào trong công việc.

5. Cho đi

Trong cuốn sách  Give and Take: Why Helping Others Drives Our Success (Cho và Nhận: Vì sao giúp đỡ người khác tạo nên thành công cho bạn), giáo sư Adam Grant tại Trường Kinh doanh Wharton đã nói về sự hào phóng từ góc nhìn kinh doanh.

Hàng thế kỷ qua, con người gần như vẫn chỉ dựa vào bản thân để tạo nên thành công cho mình: đam mê, chăm chỉ và ý chí kiên cường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Thành công giờ đây đang ngày càng phụ thuộc và cách chúng ta tương tác với những người xung quanh và những gì chúng ta cho đi.
Theo nghiên cứu của Grant, những người thành công nhất là những người thường xuyên cho đi. Grant tin tưởng điều này đến mức ông không chỉ nhiệt tình giảng dạy trên lớp, ông còn dành rất nhiều thời gian sau giờ làm việc để giúp đỡ người khác. Kinh thánh cũng có câu nói tương tự: "Hạnh phúc đến từ sự cho đi".
Vnexpress
 
Top