Để kiếm được một công việc, đòi hỏi sự
chuẩn bị nhiều hơn việc chỉ gửi một hồ sơ đi khắp nơi.
![]() |
Ảnh minh họa: salesforcesearch.com |
Tôi nghĩ ít ai khi vừa tốt nghiệp
xong Đại học (hay trung học) là may mắn nhận được việc tốt ngay. Nên
ai trong chúng ta chắc cũng đều trải qua lắm gian nan, thử
thách trong chuyện đi xin việc.
Vừa xong trung học ở Việt Nam, gia
đình tôi nhận được quyết định đi định cư ở Mỹ. Cũng giống như tác giả
Nguyễn Thu Hiền trong bài viết "Hãy "rải" 200 lá đơn xin việc,
nếu cần...", vốn liếng tiếng Anh mà tôi học ở trung học thật nghèo
nàn. Phát âm không chuẩn, tiếng Anh nói không phải lúc nào cũng phải đúng
thì đúng ngữ pháp như tiếng Anh viết, chưa có bằng cấp lẫn kinh nghiệm.
Một công việc xin được đứng bấm
thang máy cho khách đi mua sắm ở thương xá cũng không nhận được với lý do họ sợ
tôi nghe không được tiếng Anh nên bấm không đúng lầu cho khách!
Không còn cách nào hơn, tôi nhờ
người quen xin cho làm công nhân trong một hãng chế tạo thắng xe hơi ở
Mỹ. Từ sáng tới chiều đứng máy, chiều tối ra chạy đi học tiếng Anh - ngôn
ngữ thứ hai (English as a second language) trong hơn ba năm trước khi được nhận
vô Đại học chính thức.
Tốt nghiệp Đại học, dù có thể trao
đổi trong giao tiếp hàng ngày, không thể phủ nhận được dù gì đi nữa mình vẫn
không thể nào nói nghe như người Mỹ bản xứ, và nó càng khó khăn hơn trong
chuyện đi xin việc theo chuyên môn.
Công ty nào cũng đòi hỏi ít nhất vài
năm kinh nghiệm hay khi phỏng vấn họ hỏi về các ứng dụng trong ngành, mà người
chưa bao giờ đi làm thì lấy đâu ra "kinh nghiệm" và cũng không biết
gì về các chương trình hay phần mềm được sử dụng trong lãnh vực đó để trả
lời.
Từ hỏi nhờ những người quen, đến rải
(chắc cũng hơn 200 lá đơn), tôi cũng chỉ nhận được cuộc gọi phỏng vấn và sau
đó là lá thư cám ơn từ chối, chúc may mắn trong bước đường tương lai.
Cho đến một ngày tôi tình cờ gặp một
phó giám đốc của công ty tôi đang làm hiện nay. Có dịp trao đổi, tôi
không ngần ngại chia sẻ về hoàn cảnh không có việc làm của mình, lại chưa có
kinh nghiệm, những khó khăn mà tôi gặp phải khi xin việc.
Có thể nói tôi gặp may mắn nên được
nhận vào công ty làm cho đến nay, nhưng có nhiều bài học khi đi xin việc mà
mình đã học được rất nhiều.
Trước tiên tôi muốn khuyên các bạn
trẻ đừng nản chí khi gặp thất bại trong chuyện xin việc làm. Nếu cần thì
"gõ tiếp" và rải 300, 400 hồ sơ của mình là bình thường, đúng như tác
giả Nguyễn Thu Hiền viết.
Khi đi phỏng vấn, nếu được hỏi hãy
nói chút gì về mình, đừng bắt đầu bằng các câu muôn thuở mà người phỏng vấn đã
nghe rất nhiều lần "Em tốt nghiệp Đại học X ngành..". Người
phỏng vấn đã biết điều này khi đọc hồ sơ lý lịch của bạn, nên nếu bắt đầu bằng
câu này, họ sẽ chán ngắt.
Hãy bắt đầu bằng những câu "Tôi
có 2 năm kinh nghiệm trong lãnh vực Kế toán ở ngân hàng ABC" hay nếu chưa
đi làm hãy nói "tôi muốn làm về ngành Kế toán, và tuy chưa có kinh nghiệm,
tôi đã học hỏi nên hiểu biết về...".
Hãy làm cho người phỏng vấn ấn tượng
về mình một cách khác với những hồ sơ khác.
Hãy chứng minh mình là người có
quyết tâm và thật sự thích công việc mình đang xin.
Đừng bao giờ nghĩ chỉ nói những ưu
điểm là công ty sẽ thích.
Không ai trong chúng ta toàn diện về
mọi mặt, và bạn chắc chắn cũng có khuyết điểm.
Hãy mạnh dạn nhận mặt yếu của mình,
thí dụ không biết tiếng Pháp, nhưng hãy nói "nếu có cơ hội tôi muốn được
học thêm về nó".
Quyết tâm và nghị lực rất quan trọng
với người phỏng vấn vì biết đâu sau này có thay đổi trong quá trình làm việc và
công ty muốn bạn phải là người có thể phù hợp và tiếp tục được.
Hãy chuẩn bị các câu hỏi bất ngờ như
"trong 3-5 năm tới, dự tính bạn sẽ làm gì". Với thời buổi khoa
học phát triển hiện nay, các công ty luôn muốn nhân viên họ phấn đấu hơn, chứ
chẳng ai muốn thấy nhân viên "ngày nào cũng như ngày nào".
Hãy có 1 mục tiêu khả thi như
"Tôi muốn mình hiểu biết thêm về kinh tế đối ngoại và từ đó có thể phát
triển thêm ở bộ phận này". Luôn chuẩn bị để không bao giờ rơi vào
tình huống bị hỏi thì ớ ra và "Em cũng chưa nghĩ tới".
Cuối cùng là thái độ, gương mặt,
cách nói chuyện, cách trình bày hồ sơ xin viêc... tất cả những yếu tố này đều
quan trọng và đều phải chuẩn bị khi đi xin việc.
Và đừng quên gởi một email hay tin
nhắn cám ơn sau cuộc phỏng vấn.
Cả trăm người khác cùng đi kiếm việc
như bạn, vậy hãy làm những điều bạn khác họ để có được ấn tượng tốt ban đầu
trong mắt của người chưa biết về mình.
Là một người trẻ, bạn thấy mình
còn hạn chế ở những điểm nào khác? Theo bạn, nguyên nhân do đâu và bạn
sẽ làm gì để khắc phục những điểm yếu này?
Bạn đã từng "đau khổ"
khi muốn tìm một công việc mới hoặc thay đổi công việc tốt hơn? Bạn đã có
kinh nghiệm bổ ích nào? Bạn có từng thành công hay thất bại?
Hãy chia sẻ cùng TTO qua
địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
|
TÙNG
NGUYỄN (NEW JERSEY, MỸ)/Tuoitre.vn