Có một thú vui đặc biệt trong việc chào đón mỗi mùa bằng những lễ hội truyền thống và bằng một sự thay đổi trong cách sống
Đời sống và văn hoá ở Nhật Bản - theo từng tháng

Môi trường tự nhiên đa dạng và phong phú, với những thay đổi tế vi theo mùa - mỗi mùa ở Nhật Bản được đánh dấu bằng những sự kiện đặc biệt, cộng với những lễ hội và phong tục đã có từ thời xa xưa. Một số yếu tố văn hoá và truyền thống cũng đã được du nhập từ những nước khác, và hiện nay đã trở thành một phần của cuộc sống Nhật Bản. Để có một cái nhìn tốt nhất về quá khứ và hiện tại ở Nhật Bản, bạn chỉ cần lật qua những trang của cuốn lịch văn hoá Nhật Bản này.

Những ấn tượng đầu tiên

Quan sát các mùa thay đổi - một trong những điều thú vị đơn giản của cuộc sống

Có gì đó rất thú vị khi thấy và cảm nhận sự thay đổi của các mùa, đặc biệt khi mỗi mùa khoe mỗi khuôn mặt khác nhau của thiên nhiên. Và có một thú vui đặc biệt trong việc chào đón mỗi mùa bằng những lễ hội truyền thống và bằng một sự thay đổi trong cách sống. Quần đảo Nhật Bản dài trải qua rất nhiều vĩ tuyến, nên dĩ nhiên, người dân sống ở vùng cực bắc, như ở quận Konsen Genya của Hokkaido, cảm nhận về các mùa không giống như những người dân của vùng cận nhiệt đới của quần đảo Yaeyama. Nhưng phong tục và vẻ bên ngoài cho thấy hầu hết người Nhật Bản có chung một cảm nhận về những trạng thái thay đổi của thiên nhiên.

Hoa anh đào chào đón mùa xuân

Hoa anh đào nở vào mùa xuân. Trên nước Nhật hầu như nơi nào cũng có cây anh đào. Một số cây đã hơn một nghìn năm tuổi, một số khác thì chỉ sắp nở hoa lần đầu tiên. Hoa anh đào chỉ được gọi bằng cái tên đơn giản là Hana, nghĩa là hoa - dường như chẳng cần phải nói rõ nó là loại hoa gì, điều này cho thấy người Nhật thích hoa anh đào đến mức nào và xem hoa này như là hoa của riêng họ vậy. Trên khắp quần đảo, những con tim đập rộn rã hơn khi những nụ hoa anh đào bắt đầu chớm nở. Sự chờ đợi dường như vô tận. Cái cảnh chào đón những bông hoa hé nở đầu tiên mới nhộn nhịp làm sao! Có hai cụm từ dành cho thời khắc đặc biệt này: hatsu-hana (lúc khai hoa), hoặc hatsu-zakura (những hoa anh đào đầu tiên). Chẳng bao lâu sau đó, khoảng hai phần mười (nibu-zaki), rồi ba phần mười (sanbu-zaki) hoa anh đào nở. Khi gần đến thời điểm hoa anh đào nở rộ thì các gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng đã sẵn sàng cho các cuộc dã ngoại dưới hoa. Mỗi người đều mang theo một món ngon gì đó đến cuộc vui này. Qua nhiều thế kỷ, những hộp cơm trưa phục vụ cho các cuộc vui ngắm hoa anh đào được gọi là hana-mi bento, cùng với rượu hana-mi zakê.

Phụ nữ lựa chọn quần áo để mặc trong buổi tiệc ngắm hoa anh đào một cách rất cẩn thận. Loại quần áo truyền thống Nhật Bản có thể đã trở nên lỗi thời trong những cuộc vui như thế này, nhưng truyền thống ăn mặc tinh tế và trau chuốt thì vẫn tồn tại thấy rõ. Quần áo cũng có tên gọi riêng dành cho dịp này – hana-goromo. Việc đi xem hoa anh đào nở gọi là sakura-gari hoặc hana-gari, là những từ để chỉ sự hào hứng của ngày đó, vì gari có nghĩa là “đuổi theo”.

Có nhiều cách khác nhau để thưởng thức hoa anh đào, và có một số từ rất dễ nghe mô tả những lúc chúng ta ngắm nhìn hoa anh đào vào những giờ khác nhau trong ngày. Ánh nắng buổi ban mai lung linh rất đẹp trên những cánh hoa tạo thành những asa-zakura (hoa anh đào buổi sáng). Ánh nắng buổi chiều tàn tạo nên một trạng thái khác cho yu-zakura (hoa buổi chiều). Và rồi có cả hoa đêm yo-zakura, với yugen (sự huyền bí trầm lặng). Để làm nổi bật vẻ đẹp của những bông hoa trong màn đêm, chúng ta có thể đốt lửa hana kagari gần các cây và tận hưởng giây phút huyền diệu của tự nhiên.


Làm dịu hơi nóng mùa hè và thưởng thức những màu sắc mùa thu theo truyền thống.

Những ngày nóng bức và ẩm ướt của mùa hè sẽ đến, nhưng có nhiều cách cổ truyền để làm cho bầu không khí trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn: như tiếng leng keng của chuông furin lơ lửng và xao xuyến trong làn gió nhẹ, cá vàng bơi lội trong cái bát thuỷ tinh; nước được tưới nhẹ lên khu vườn lung linh và dọc theo hàng hiên nóng nực. Cây cối trong vườn phát triển mạnh trong hơi nóng, còn chúng ta thì có thể khắc phục cái nóng bằng một số thói quen cổ điển và khôn ngoan. Những bộ yukata bằng vải bông mỏng nhẹ mặc mát hơn những bộ kimônô nặng nề. Chân không vớ xỏ guốc geta đi lộp cộp ngoài đường. Ở những vùng nông thôn, nhìn đom đóm bay và đôi khi bắt một vài con là hai cách khác để giúp chúng ta quên đi cái nóng của những đêm tháng sáu.

Bầu trời đêm giữa mùa hè được thắp sáng bởi những đợt pháo hoa nhiều màu sắc. Từ thời Edo (1603-1867), một trong những thú vui mùa hè là những hội bắn pháo hoa ở các thành phố, thị xã và các làng mạc trên khắp nước Nhật, mỗi nơi một khác để đua tranh với nhau. Những sự kiện này thu hút rất nhiều người dân địa phương, những người đã đi xa nay trở về quê nhà nghỉ hè và du khách.

Quần đảo Nhật Bản được tô điểm với rất nhiều thác nước, trong đó một số rất hùng vĩ, nhưng một số lại ít được biết đến. Thác Kegon ở Nikko và thác Nachi ở Wakayama có lẽ là những thác nước đẹp nhất thu hút chúng ta đến thư giãn và phục hồi năng lượng. Các phòng trà và những nhà trọ truyền thống với những thác nước giúp chúng ta có những giây phút thư giãn thoải mái.

Rồi mùa thu đến, lại một thời điểm nữa để nghĩ đến việc ra đồng quê để ngắm nhìn thiên nhiên. Lúc này thì chúng ta sẽ tha hồ mà ngắm những cây thích đỏ, vàng và những loại cây khác chứ không phải là những cây hoa anh đào nữa. Thế nhưng cái tâm trạng chờ đợi thì cũng như vậy khi chúng ta mong chờ lá cây chuyển màu trên những sườn núi và trên những sườn thung lũng thẳng đứng. Những đền đài lịch sử, cổ kính là những nơi mà khách du lịch đến thường xuyên để có những giờ phút đặc biệt ở gần một tượng Phật cổ hoặc những tác phẩm nghệ thuật quyến rũ khác.

Những tối mùa thu là thời gian tuyệt vời để thưởng trăng và tổ chức những buổi tiệc ngắm trăng, hoặc để nghe những âm thanh rất vui tai của côn trùng như loài dế matsu-mushi và suzu-mushi. Những người thích suzu-mushi nuôi chúng trong lồng tại nhà, để có thể thưởng thức một trong những âm thanh tuyệt vời của thiên nhiên suốt cả đêm.

Sự nhạy cảm về mùa thu để tận hưởng những thú vui đơn giản

Chẳng bao lâu, những cơn gió đông lại chuẩn bị ùa về. Lượng tuyết rơi mỗi năm dường như mỗi ít đi nhưng vùng nằm ở phía bắc quần đảo và những khu vực giáp với biển Nhật Bản thì vẫn còn nhiều tuyết nên phải có mái che cho một số cây vườn khỏi những trận tuyết rơi dày đặc. Dây thừng yuki-zuri cột đứng thẳng trên những cây thông vừa giúp cho chúng không bị ngả và các cành không bị gãy, vừa tạo ra những hình dáng nghệ thuật nữa. Dây yuki-zuri ở Kanazawa, nơi tuyết rơi rất nhiều, là một điển hình rất nổi tiếng. Đi thuyền ra khơi cho chúng ta một kinh nghiệm khác về tuyết. Yuki-mizakê (uống rượu sakê ngắm tuyết rơi) cho chúng ta một thú vui khác. Những ngôi nhà cổ có shoji (cửa trượt phủ giấy), nhưng loại giấy này lại khiến chúng ta không nhìn ra ngoài được. Việc này có thể giải quyết được bằng cách lắp một tấm kính vào một phần cửa giấy shoji, rồi che kính vào một phần cửa giấy shoji – khi chúng ta muốn quan sát khu vườn và ngắm tuyết, thì chúng ta gỡ tấm giấy shoji ra khỏi tấm kính. Vì thế loại cửa giấy shoji này được gọi một cách rất thích hợp là yuki-mishoji.

Lối sống ở Nhật Bản đã thay đổi theo thời gian, nhưng tận bên trong vẫn còn nét truyền thống và sự hiểu biết giúp chúng ta thưởng thức được sự thay đổi của các mùa. Sakura-gari, yuki-mi shoji và rất nhiều từ khác diễn đạt sự chuyển mùa của thiên nhiên là những từ chỉ về mùa gọi là kigo*. Những từ này làm phong phú thêm kho tàng tiếng Nhật và vì chúng ta không có bản quyền nên mọi người đều có thể sử dụng chúng khi sáng tác. Qua nhiều thế kỷ, những từ kigo đã được sử dụng, sàng lọc và trau chuốt, nên hiện nay chúng có sức lôi cuốn đầy sinh động và thi vị giúp tăng thêm những màu sắc truyền thống trong cuộc sống của chúng ta. Những sách tham khảo gọi là saijiki có sưu tầm những từ này, được liệt kê, phân loại theo thời điểm trong năm, theo thiên văn học, theo địa lý học, theo cuộc sống thường ngày, theo những sự kiện văn hoá, theo động vật và cây cối. Những thi sĩ chúng tôi thích nghĩ rằng saijiki thực sự là những hướng dẫn về cái tinh tế và cảm xúc của người Nhật Bản. Dù sao đi nữa, việc học những từ kigo mới sẽ giúp bạn thấu hiểu ngay những lối sống truyền thống của người Nhật Bản.

*Kigo là những từ chỉ về mùa được dùng trong thơ haiku và những loại hình văn chương khác để tạo ra những hình ảnh và biểu lộ những cảm xúc riêng đối với một trong bốn mùa. Một từ kigo có thể chỉ về một hiện tượng tự nhiên, thời tiết, một con vật, một loại cây, hay một số phong tục, thức ăn hay thức uống dành riêng cho một mùa hoặc một tháng nào đó.

THÁNG GIÊNG
Ngày 1
Ganjitsu (ngày đầu năm): Tranh tài giải vô địch Hoàng đế tại sân vận động quốc gia Tokyo.
Các đội bóng đá nghiệp dư và chuyên nghiệp tranh tài trong giải Hoàng đế, một giải đấu danh tiếng từ 80 năm nay.
Ngày 1 đến 3
Hatsumode (đi lễ đền chùa đầu năm)
Ngày 2
Shin-nen Ippan Sanga (Lời chúc đầu năm của người dân dành cho Hoàng gia)
Kaki-zome (Khai bút đầu năm)
Việc viết bằng một cây bút lông vào đầu năm mới. Viết những câu tốt đẹp, đầy hứa hẹn, và ước mong nghệ thuật viết chữ đẹp của mình sẽ tiến bộ trong năm mới.
Khoảng ngày 5 Shokan (tiểu hàn – “ngày ít lạnh lẽo hơn”)
Ngày 6 Shobo Dezome-shiki (Cuộc diễu hành đầu năm của đội cứu hoả)
Ngày 7 Jinjitsu / Nana-kusa
Theo tục cũ của người Trung Hoa, năm trong số những ngày sekko cũ (những ngày đặc biệt phải theo) vẫn được tuân giữ vào những ngày 7 tháng giêng, 3 tháng 3, 5 tháng năm, 7 tháng bảy và ngày 9 tháng chín. Vào ngày đầu tiên của những ngày này, jinjitsu, bảy loại dược thảo, trong đó có seri (mùi tây Nhật Bản), nazuna (một loại rau), và gogyo (rau khúc trồng ở đầm lầy), được hầm chung trong món cháo, được dâng cúng rồi sau đó cả gia đình đem xuống ăn.
Ngày 11 (một số vùng khác là ngày 4 hoặc 20)
Kagami-biraki (cắt bánh gạo nếp đầu năm)
Những cái bánh tròn lớn làm bằng gạo nếp theo truyền thống được dâng lên cho các vị thần trong các lễ hội đầu năm và trong ngày này, những cái bánh mochi được cắt thành từng miếng nhỏ và ăn với o-zoni (xúp rau củ) hoặc o-shiruko (chè đậu đỏ adzuki). Một khi chúng được cắt ra thì những ngày đầu năm mới được xem như đã qua.
Khoảng ngày 15 Dondo-yaki
Việc trang hoàng đầu năm, như kado-matsu (đồ trang hoàng bằng thực vật), và shime-kazari (dây rơm bện trang trí), được mang đến một ngôi đền trong xóm hoặc một nơi nào khác để đốt. Sưởi ấm bên ánh lửa được cho là sẽ mang đến sức khoẻ tốt và hạnh phúc cho cả năm. Nghi thức này được thực hiện trên khắp cả nước. Lễ này tại đền-Torigoe ở Tokyo hết sức nổi tiếng.
Ngày thứ hai của tuần thứ hai trong tháng Giêng Lễ thành nhân
Khoảng ngày 20 Daikan (Đại hạn – ngày “lạnh lẽo hơn”). Được xem là thời điểm lạnh nhất trong năm.

Hanabira mochi

Loại bánh gạo nếp mochi này ăn vào dịp năm mới. Bánh gạo nếp có nhân bột miso và rễ cây ngưu bàng ninh trong nước xirô. Cách làm này bắt nguồn từ việc làm bánh để phục vụ cho các lễ nghi đầu năm tại Cung điện.
Hatsu-mode (Đi chùa đầu năm)
Hatsu-mode là cuộc viếng thăm một ngôi chùa vò dịp đầu năm mới để cầu xin sức khoẻ, tài lộc, cầu cho hoà bình thế giới,v.v… Nhiều năm trước đây, theo thói quen, người ta thường viếng thăm đền chùa vào lúc giao thừa, giữa lúc tiếng chuông vang rền. Hiện nay, người ta thường đi viếng đền chùa vào một trong ba ngày đầu năm. Hàng triệu người đến thăm những đền chùa nổi tiếng, như đền Minh Trị (ở Tokyo), chùa Naritasan Shinsho-ji (tỉnh Chiba), chùa Kawasaki Daishi (tỉnh Kanagawa), đền Yasaka (Kyoto), và đền Sumiyoshi (Osaka).
Shin-nen Ippan Sanga (Lời chúc đầu năm của người dân dành cho Hoàng gia)
Khu hoàng cung ở Tokyo thường đóng cửa không cho công chúng vào, nhưng vào ngày 2 tháng giêng, mọi người đều có thể vào thăm và chúc mừng năm mới các thành viên của Hoàng gia, những người đang vẫy tay với đám đông từ trên ban công Hoàng cung đối diện với khu vườn phía đông. Chỉ từ sau Thế chiến thứ hai thì tất cả các công dân mới được phép vào thăm khu vực Hoàng cung với mục đích này.
Ganjitsu (Ngày đầu năm, thời gian để ăn o-sechi ryori)
O-sechi ryori là những món ăn đặc biệt được chuẩn bị cho ba ngày đầu năm (những ngày này được gọi là san-ga-nichi). Những món ăn ngon đã được chuẩn bị trước. Sau đó trong những ngày tết thì hầu như không cần phải nấu nướng gì nhiều, vì vậy cách làm và nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ để đảm bảo rằng mọi thứ vẫn giữ được tươi ngon trong ba ngày Tết. Theo truyền thống, mỗi món ăn tượng trưng một điều ước cho sự hạnh phúc và thành công trong gia đình. Chẳng hạn, món đậu đen (mame) nói lên hy vọng mọi người sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh và đàng hoàng (mame), và món cá trứng (kazu no ko, tạm dịch là “nhiều con”) nói lên hy vọng con cháu sẽ được nhiều phúc lộc.
Sheijin no Hi (Lễ thành nhân)
Ở Nhật Bản, người ta có quyền bầu cử, uống rượu và hút thuốc khi được 20 tuổi, là tuổi họ được luật pháp công nhận là người lớn. Ngày mừng tuổi trưởng thành đánh dấu sự bắt đầu làm người lớn dành cho những người có sinh nhật lần thứ 20 trong năm đó. Tại những buổi lễ ở những thị sảnh trên khắp cả nước, những chàng trai trẻ trong những bộ Âu phục chững chạc và các cô gái trong những bộ kimônô màu sắc sặc sỡ tụ họp lại để nghe những bài diễn thuyết và để xem những mục trình diễn nhằm giúp họ nhận thức về vị trí mới của họ la những người trưởng thành.
THÁNG SÁU

Minazuki

Ngày 1
Mùa đánh bắt cá ayu (cá nước ngọt) bắt đầu
Koromo-gae (thay đổi y phục theo mùa)
Theo truyền thống thì đầu tháng 6 là thời điểm để bắt đầu mặc quần áo mùa hè. Quần áo mùa đông được cất đi. Phong tục này có nguồn gốc từ một lễ nghi của Hoàng cung rồi dần dần lan truyền ra dân chúng. Các trường học và cơ quan có đồng phục vẫn còn theo phong tục này và mọi người bắt đầu mặc đồng phục mùa hè vào thời điểm này.
Ngày 2
Những lễ hội khai cảng ở Yokohama và Nagasaki
Thứ bảy và Chủ nhật đầu tiên
Lễ hội Weston ở Kamikochi
Walter Weston là một nhà truyền giáo và nhà leo núi người Anh. Hội này có mục đích tôn vinh sự thành công của ông trong việc giới thiệu dãy núi Alps của Nhật Bản với thế giới qua những bài viết của ông. Lễ hội cũng để mừng sự bắt đầu leo núi mùa hè. Được tổ chức ở Kamikochi, tỉnh Nagano. Đường mòn vô núi chạy từ đây đến một số điểm leo tốt nhất trong dãy Alps Nhật Bản.
Ngày 10
Lễ hội đồng hồ nước tại đền Omi ở Otsu, tỉnh Shiga.
Ở Nhật Bản, chiếc đồng hồ nước đầu tiên được chế tạo cách nay khoảng 1.300 năm theo yêu cầu của Hoàng đế Tenchi. Lễ hội này kỷ niệm ngày đầu tiên nó được sử dụng và ngày này gọi là Toki no Kinen-bi (Ngày kỷ niệm thời gian). Lễ hội tổ chức tại đền để tưởng nhớ Hoàng đế Tenchim, người đã thành lập thủ đô ở vùng này.
Tháng 6 và một phần tháng 7, đặc biệt là 3 tuần cuối tháng 6
Mùa mưa (tsuyu)
Ở vùng Kyushu phía nam, mùa mưa kéo dài từ khoảng cuối tháng 5 đến giữa tháng 7. Ở vùng phía bắc Tohoku, mùa mưa kéo dài từ khoảng giữa tháng 6 đến cuối tháng 7
Chủ nhật tuần thứ 3 trong tháng 6
Ngày của Cha
Ngày 20
Kurama Take-kiri-e Shiki, ở đền Kurama-dera, tỉnh Kyoto
Tám người mặc đồ giống như những nhà sư võ lâm thời trung cổ chia thành 2 nhóm, nhóm Đông và nhóm Tây, rồi thi với nhau xem đội nào có thể chém những gốc tre nhanh hơn. Đội thắng được xem là sẽ đem lại may mắn được mùa cho làng của mình.
Khoảng ngày 21
Geshi (Hạ chi)
Thứ bảy và Chủ nhật cuối cùng của tháng 6
Mùa leo núi bắt đầu tại núi Dalsetsu, ở công viên quốc gia Daisetsuzan, Hokkaido
Tại một số vùng ở Nhật Bản, việc bắt đầu mùa leo núi có thể được đánh dấu bằng một nghi thức. Trước khi mùa bắt đầu, người ta được khuyến cáo không nên leo những núi cao vì có tuyết và rất lạnh. Mùa leo núi bắt đầu vào giữa tháng 4 ở những vùng ấm áp hơn của Nhật Bản. Lần leo núi cuối cùng của mùa leo núi trong năm rơi vào ngày cuối tuần của tuần lễ cuối của tháng 6 tại cụm núi Daisetsuzan ở trung tâm Hokkaido (Đỉnh núi có tên là Asahidake, cao 2.290 mét so với mực nước biển). Những núi cao nổi tiếng khác như núi Phú Sĩ, đỉnh Kamikochi và Daisen (tỉnh Tottori), đều bị cấm leo cho đến tháng 6
Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6

Lễ hội Suigo Itako Ayame ở Itako, tỉnh Ibaraki

Thành phố Itako nằm trên hạ lưu của sông Tone. Khu vực này có một hệ thống sông rạch hẹp, và các bờ sông có trồng hoa irit, chúng bắt đầu nở hoa vào cuối tháng 5. Những bông hoa irit màu tím, vàng và trắng - có khoảng một triệu cây với 500 giống khác nhau - vẫn tươi mát trong thời tiết nóng ẩm của mùa mưa, tạo ra một bức tranh thiên nhiên với những cánh hoa lấp lánh những hạt mưa.

Ajisai

Một miếng bánh yokan màu tím nhạt (Bánh thạch đậu adzuki ngọt) được cắt thành hình khối với các góc tròn, để làm cho nó trông giống một bông hoa ajisai (hoa tú cầu). Nhân bánh bằng bột đậu trắng. Chiếc bánh này sẽ giúp bạn quên đi thời tiết ảm đạm của mùa mưa.

Mùa bắt cá Ayu bắt đầu

Cá nước ngọt ayu sống trong các sông ở khắp nước Nhật và mùa đánh bắt loại cá này bắt đầu ngày 1 tháng 6. Cho đến khi mùa đánh bắt kết thúc vào mùa thu, các ngư dân thường tìm bắt loại cá ngon nổi tiếng vì có một hương vị đặc trưng này, một hương vị đã khiến chúng trở thành một món ăn của bất cứ bữa tiệc sang trọng nào. Cách chủ yếu để bắt cá ayu là lợi dụng việc chúng canh gác khu sinh cư của chúng - mắc một con cá làm mồi vào lưỡi câu rồi thả con mồi xuống nước để bắt những con cá tấn công con mồi.
Cuộc đua thuyền rồng Hare ở Itoman
Những người đại diện cho làng của họ nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ và chèo thi, làm nước bắn lên tung toé khi họ cố gắng để thắng cuộc. Đằng sau sự kiện này, gọi là Hare là ước muốn đánh bắt được nhiều cá và được an toàn khi đi biển. Những cộng đồng đánh bắt cá ở Okinawa tổ chức những cuộc đua ở địa phương, trở thành lễ hội mùa hè dành cho các ngư dân. Cuộc đua hào hững nhất là ở thành phố Itoman. Người ta cho rằng, mùa mưa ở Okinawa kết thúc khi tiếng cồng cất lên báo hiệu lễ hội bắt đầu.
Nyubai, bắt đầu mùa mưa
Mùa mưa kéo dài trên quần đảo Nhật Bản, ngoại trừ vùng Hokkaido ở phía bắc, trong khoảng sáu tuần lễ. Những tuần lễ này chắc chắn gồm có tháng 6. “Mùa mưa trong tiếng Nhật gọi là tsuyu, và bắt đầu mùa mưa thì gọi là nyubai, hoặc tsuyu-iri. Trong bức ảnh là ajisai (hoa tú cầu) tại đền Meigetsu-in Temple ở Kamakura - rất nhiều hoa này được trồng ở đó cho nên đền còn có biệt danh là Ajisai-dera. Hoa tú cầu trong mưa tạo thành một cảnh rất đặc biệt ở Nhật Bản vào thời gian này trong năm.

 
Top