Đây cũng là vấn đề chung hiện nay đối với nền kinh tế Nhật, nơi một số ngành công nghiệp đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục tồn tại vì dân số lão hóa...

Một tàu đánh bắt sò về đến cảng ở làng Sarufutsu, Hokkaido, Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg.

Làng Sarufutsu nằm ở nơi xa nhất về phía Bắc của hòn đảo cực Bắc Nhật Bản là ngôi làng giàu nhất nước này nhờ nguồn sò dồi dào đánh bắt từ biển Okhotsk.

Theo hãng tin Bloomberg, với nghề đánh bắt sò, thu nhập trung bình của người dân Sarufutsu vào hàng cao nhất trong số các ngôi làng và thị trấn nước này. Tuy nhiên, một nhà máy chế biến sò mới đi vào hoạt động ở Sarufutsu không thể chạy hết công suất vì không tuyển đủ công nhân cho công việc lương thấp nhưng lại rất quan trọng này.

Đây cũng là vấn đề chung hiện nay đối với nền kinh tế Nhật, nơi một số ngành công nghiệp đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục tồn tại vì dân số lão hóa và suy giảm, cho dù các công ty trong các ngành đó vẫn làm ăn có lãi.

Sau khi được đánh bắt từ biển, sò được các ngư dân ở Sarufutsu đem sấy khô rồi xuất khẩu sang Hồng Kông và một số thị trường khác để làm nguyên liệu cho các món ăn Trung Hoa cao cấp. Xét về giá trị, sò là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đảo Hokkaido, nơi có thị trấn Sarufutsu.

Tuy nhiên, công nhân trong nhà máy chế biến sò của làng này chủ yếu là những người phụ nữ đã lớn tuổi. Theo ông Koichi Kimura, một nhà quản lý hợp tác xã hải sản vận hành nhà máy này, trong 7-8 năm nữa, sẽ không còn người Nhật nào làm việc trong nhà máy.

“Nếu muốn, chúng tôi có thể chạy nhà máy 24 giờ mỗi ngày và tăng gấp ba sản lượng”, ông Kimura nói. “Nhưng chúng tôi cần thêm hơn 100 công nhân mới để làm việc đó”.

Dân số của làng Sarufutsu không giảm nhưng đi ngang. Nhà máy sò hiện đang sử dụng 19 công nhân học việc người Trung Quốc trong số tổng số 90 công nhân. Tuy nhiên, theo quy định, nhà máy không thể tăng thêm số công nhân nước ngoài nếu không có thêm công nhân người Nhật. Bởi vậy, chính quyền làng Sarufutsu đang khuyến khích người từ nơi khác chuyển tới sống ở làng này.

Trong vòng 3 năm qua, Sarufutsu đã tổ chức những chương trình đưa người từ các vùng khác của nước Nhật đến tham quan làng để xem có thể chuyển tới đây sinh sống. Ngoài ra, ngôi làng cũng bổ nhiệm vị đầu bếp một nhà hàng ở Tokyo sử dụng nguồn sò của làng làm đại sứ du lịch.

Tuy nhiên, những biện pháp này không mang lại nhiều kết quả, bởi công việc ở nhà máy sò chỉ là công việc mùa vụ và mức lương thấp.

Từng là ngôi nhà nghèo nhất Nhật Bản, thu nhập trung bình của các gia đình trong làng đã tăng lên 20-30 triệu Yên, tương đương khoảng 183.000-275.000 USD, mỗi năm.

Tuy nhiên, khoảng 250 thành viên hợp tác xã hải sản làm việc trên thuyền là có thu nhập cao, đẩy thu nhập trung bình của cả làng lên, trong khi những người làm việc trong nhà máy sò chỉ hưởng lương tối thiểu.

Chưa kể, nhà máy này chỉ hoạt động 7 tháng mỗi năm. Vào mùa đông, khi nhiệt độ trong vùng giảm dưới 20 độ C, nhà máy hoàn toàn đóng cửa.


Nếu không có mức lương và điều kiện tốt hơn, làng Sarufutsu khó có thể thu hút người từ địa phương khác đến làm việc cho nhà máy sò. Tuy nhiên, hợp tác xã hải sản của làng nói không thể tăng lương mạnh.

“Người Nhật trẻ không quan tâm nếu chúng tôi chỉ tăng lương chút đỉnh”, ông Kimura nói. “Nếu tăng lương gấp 2-3 lần, chúng tôi có thể thu hút công nhân, nhưng như thế chúng tôi lại gặp khó khăn tài chính”.

Các chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn cho rằng dân số suy giảm của nước này là một cơ hội để các công ty tăng tự động hóa và cải thiện năng suất. Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng có thể làm bằng máy móc.

Nhà máy trị giá 2,4 tỷ Yên, tương đương 22 triệu USD, của làng Sarufutsu đi vào hoạt động từ tháng 4/2016 với nhiều máy móc mới, nhưng vẫn cần phải có công nhân.

Theo giáo sư Atsushi Miyawaki thuộc Đại học Hokkaido, làng Sarufutsu có thể sẽ phải tính chuyện chuyển nhà máy đi nơi khác. “Ở một vài nơi khác, câu chuyện kinh tế mà BoJ kể có thể đúng, nhưng không phải là trường hợp ở Hokkaido”. 


Chúng tôi liên tục tuyển sinh Du học Nhật Bản & Xuất khẩu lao động
Thông tin chi tiết xin liên hệ:

Theo Vnconomy
Bài gốc tại đây
 
Top