
- Tokyo - Những điều mắt thấy tai nghe (P1)
- Tokyo - Những điều mắt thấy tai nghe (P2)
- Tokyo - Những điều mắt thấy tai nghe (P3)
“Đất nước Mặt trời mọc”

Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, "Nhật Bản" là viết theo theo âm Hán.
Hai chữ "Nhật Bản" là "gốc của Mặt Trời", được hiểu là "đất nước Mặt
Trời mọc". Xuất phát từ vị trí địa lý, Nhật Bản nằm ở cực Đông của Châu Á
nên ở đây, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy Mặt trời mọc vào mỗi sớm
mai. Tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (Thái dương thần nữ)
và vì thế, người Nhật luôn cho rằng họ là những người hạnh phúc nhất khi
được nhìn thấy Mặt trời mọc sớm hơn phần lớn những người còn lại của
thế giới.
Trong văn chương hoặc trong các cuộc hội nghị, cuộc họp lớn, mỹ từ dành
cho Nhật Bản thường gọi là “Đất nước Mặt trời mọc”. Trên quốc kỳ Nhật
Bản có biểu tượng hình tròn đỏ của ông mặt trời và đây là niềm tự hào
của mỗi người dân Nhật Bản.
“Xứ sở Hoa Anh đào”

Một mỹ từ khác của Nhật Bản là "Xứ sở Hoa Anh đào". Cây Hoa Anh đào
theo tự nhiên từ thủa xa xưa mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam.
Cây Hoa Anh đào không khó trồng nhưng những bông hoa của nó với những
cánh hoa chỉ nở trong một thời gian ngắn ngủi. Những cánh hoa mong manh,
màu hồng nhạt nở ngợp trời nhưng "thoắt nở thoắt tàn" và người Nhật ví
von Hoa Anh đào phản ánh tinh thần quyết liệt, rất nhạy cảm và tỏa sáng
rực rỡ không thua kém bất cứ ai. Khi cánh hoa rơi, bay lả tả trên mặt
đất, khi hoa chạm đất cũng để lại những thảm hoa rất đẹp mắt và vì thế,
người Nhật ví von họ dù có chết vẫn rất vinh quang, làm đẹp cho đời.
Hoa Anh đào thể hiện cái tinh túy, đẹp đẽ của dân tộc họ. Chính vì vậy,
hầu như bất cứ hình tượng trang trí nào của Nhật Bản cũng gắn Hoa Anh
đào. Người dân Nhật vốn có phong tục ngắm hoa anh đào vào dịp “Lễ hội
Hoa Anh Đào” trong khoảng 15 tháng 3 đến 15 tháng 4, người ta thường đưa
cả gia đình tới công viên hay các rừng cây anh đào để thưởng ngoạn
hương thơm và vẻ đẹp của rừng hoa. Các cô gái Nhật thường có những chiếc
quạt, trâm cài tóc, áo truyền thống kimono với nhiều kiểu dáng, hoa văn
khác nhau nhưng ít nhất có một chiếc là hoa văn Hoa Anh đào để mặc vào
những dịp đặc biệt.
“Đất nước Hoa Cúc”
Theo sử sách, Thiên hoàng Go-Toba trị vì Nhật Bản dưới thời Kama-kura,
thế kỉ XII đã sử dụng hoa Cúc làm hoa văn trang trí các vật dụng ưa
thích của ông. Và kể từ thời Kama-kura, hình ảnh hoa cúc 16 cánh được sử
dụng làm con dấu của Thiên hoàng. Cho đến nay, biểu tượng loài hoa này
vẫn được xem là biểu tượng quan trọng của Hoàng gia Nhật Bản.

Đến thời Edo, thế kỉ XVII, hoa Cúc được trồng phổ biến trong dân chúng
và trở thành loài hoa rất được người Nhật ưa chuộng. Hoa Cúc ngày nay đã
trở thành biểu tượng văn minh đối với người Nhật. Hoa Cúc là hình ảnh
không thể thiếu để tô điểm cho những chiếc kimono đặc trưng.

Hoa Cúc còn là loài thực vật rất được ưa chuộng trong lĩnh vực tạo dáng
cho bonsai và thiết kế những khu vườn thu nhỏ của Nhật Bản. Hoa khiến
các khối đá và thân gỗ lâu năm trở nên sinh động hơn. Cũng giống như các
loại bonsai khác, bonsai hoa Cúc được tạo hình từ những cội Cúc già.
Nếu để ý, ta sẽ bắt gặp hình hoa Cúc trang trí ở khắp mọi nơi, ngay cả
trên tấm hộ chiếu của quốc gia này. Hoa Cúc là hình ảnh không thể thiếu
trong thế giới bánh ngọt 4 mùa nổi tiếng của người Nhật. Quốc huy của
Nhật Bản là hình hoa Cúc 16 cánh. Ngày nay, Hoa Cúc là quốc hoa của đất
nước Nhật Bản.
“Xứ sở Phù Tang”
Nước Nhật được gọi là xứ sở Phù tang vì có liên quan đến một truyền
thuyết mà người Nhật cho rằng thiêng liêng. Truyền thuyết kể rằng một
hôm Thần Mặt trời đi từ đông sang tây nửa chừng đứng nghỉ chân dưới cây
dâu. Phù tang chính là cây dâu. Người Nhật rất tự hào về điều này và tên
gọi Phù Tang hàm nghĩa văn chương ám chỉ về câu truyền trên.
Báo Xây Dựng